CHUYÊN MỤC: Kỹ năng sống


Kỹ năng tập trung

      Một trong những nguyên nhân khiến hầu hết mọi người gặp khó khăn trong học tập và làm việc là do thiếu tập trung. Đầu óc bạn cứ nghĩ hết cái này sang cái kia: bị lo lắng, bị cám dỗ…; vì lơ đểnh, thiếu tập trung nên chuyện học hành và làm việc của bạn trở nên khó khăn, nhàm chán. 


       Sự hứng thú và sự tập trung luôn đi cùng với nhau. Rõ ràng, hứng thú đã giúp bạn dễ dàng tập trung thì đồng thời, sự tập trung tốt cũng sẽ giúp bạn có thêm hứng thú, nó sẽ nâng cao năng suất học tập và làm việc cho bạn.

Có thể nói đơn giản, khả năng tập trung là: năng lực tập trung sự chú ý vào chính công việc đang làm. Đó có thể là đọc sách, nghe nhạc, chuyện trò hay giải quyết các vấn đề chuyên môn trong học tập và làm viêc. Có một thực tế không thể phủ nhận là hiện nay phần lớn chúng ta không thể tập trung, khả năng tập trung vào những việc bình thường nhất cũng là rất khó.

Quan trọng là bạn có nhận ra là mình đang bị mất tập trung và xác định quyết tâm rèn luyện để thay đổi hiện trạng đó hay không. Sau đây là một số gợi ý để bạn tham khảo:

1. “Quay lại ngay bây giờ”.  

Phương pháp này đơn giản nhưng khá hữu hiệu. Thay vì cố gắng xua đuổi ý nghĩ về một cái gì đó, không chống đối nó, bạn hãy chỉ đơn giản “quay lại”: nghĩ ngay về việc bạn đang làm, ý thức được việc bạn đang làm, nhận biết việc bạn đang làm – đang nghe – đang thấy.

Chẳng hạn như: Bạn đang học và bạn chợt nhớ tới một buổi hò hẹn, hãy nói với chính mình: “Quay lại ngay bây giờ”, nhẹ nhàng kéo sự chú ý của mình về với vấn đề bạn đang cần tập trung, quay trở lại với công việc bạn đang làm và tập trung vào công việc đó. Khi bạn lại thấy mất tập trung, hãy nhắc lại: ”Quay lại ngay bây giờ”, nghĩ ngay về việc bạn đang làm, ý thức được việc bạn đang làm, nhận biết việc bạn đang làm – đang nghe – đang thấy…
2. Tận dụng một cách đúng đắn năng lượng của bạn đúng thời điểm.

Bạn cảm thấy sung sức nhất khi nào? Bạn cảm thấy chùng xuống nhất là lúc nào? Ngày hay đêm? Hãy học những môn học hoặc làm những việc mà theo bạn là khó vào những lúc bạn thấy khỏe khoắn nhất. Còn vào những lúc bạn chùng xuống? Hãy học những môn học hoặc làm những việc thấy hứng thú, dễ dàng hơn. Bạn không nên làm những công việc quan trọng đòi hỏi tập trung đầu óc cao độ ngay sau khi vừa kết thúc các bài tập cường độ cao chẳng hạn. Chỉ riêng việc thực hiện “đúng giờ đúng việc” như thế cũng đã giúp bạn tập trung hơn.
3. Những mẹo nhỏ khác:

– Hãy chọn một chỗ thích hợp nhất, tránh điện thoại, nên có và thực hiện nghiêm túc một thời khóa biểu hiệu quả. Khi bạn chuẩn bị, hãy giành chút thời gian nghĩ xem bạn cần chuẩn bị những gì, đề ra một hướng giải quyết chung để có thể hoàn thành công việc, phân loại công việc và xác định các phương pháp hoàn thành các công việc phải làm, chia nhỏ bài học hoặc công việc thành từng phần nếu có thể.

– Để cho đỡ nhàm chán, bạn nên thay đổi môn học sau một đến hai giờ, nên có những lúc nghỉ giải lao thích hợp.Bạn nên đi lại ngoài hành lang hoặc đứng ngắm cảnh bên cửa sổ, lấy nước cho đầy bình nếu trên bàn làm việc của bạn luôn có một bình nước.

– Bạn hãy ngủ đủ thời gian mình thấy cần phải ngủ. Khi bạn thấy mình đã ngủ đẫy giấc, thấy tỉnh táo, bạn sẽ dễ dàng tập trung để hoàn thành công việc phải làm hơn. Bạn hãy cố gắng sống phù hợp với nhịp sống quen thuộc của cơ thể bạn.

– Nếu bạn hay bị phân tán đầu óc do có cái gì đó làm bạn buồn phiền chẳng hạn, thì hãy dành riêng thời gian cho các ý nghĩ buồn phiền đó. Bạn hãy thỏa thuận với chính mình là hàng ngày, có khoảng thời gian đặc biệt chỉ để suy nghĩ, xử lý lo lắng, buồn phiền. Không để nó ám ảnh một cách đeo đẳng, nếu có, hãy dùng phương cách: “Quay lại bây giờ” ở trên (1).

Sự rèn luyện một cách có ý thức năng lực tập trung trong cuộc sống hàng ngày sẽ cho phép bạn tận dụng hiệu quảhơn thời gian và chuẩn bị tinh thần để bước vào những trải nghiệm mới. Năng lực tập trung ngày nay có ý nghĩa lớn lao hơn bao giờ hết, phân tán tư tưởng cản trở việc học tập, làm giảm khả năng phát triển bản thân. Vì thế, hãy thực hành, luôn luôn thực hành, thường xuyên nhắc nhở bản thân tập trung. Sự hiểu biết về tập trung, sự hiểu biết này không đủ giúp nâng cao kỹ năng tập trung của bạn, duy chỉ có chủ ý thực hành là đi đúng hướng. Hãy thực hành, hãy thực hành bất kỳ phương cách tập trung nào mà bạn thấy thích hợp với mình.

Làm thế nào để tập trung sáng tạo?

Thay đổi nhịp tim là dấu hiệu rõ nhất của việc bạn mất tập trung. Điều này nhiều người không biết, vì họ đang mải… mất tập trung.

Có nhiều định nghĩa về sự sáng tạo.

Nghĩa là có phần hơi khó định nghĩa về khái niệm này.

Sáng tạo như tôi thích, là khả năng giải quyết vấn đề mới.

Chia sẻ điều này, bạn sẽ dễ đọc những phần còn lại của bài viết này:

1.

Cái chúng ta nghĩ ra thường mật thiết với cách chúng ta nghĩ ra. Ngược lại cũng thế. Ấy là sự linh hoạt nghĩ ngợi. Khả năng nhận thấy thế giới từ các góc độ khác nhau vì thế mới được thúc đẩy, và theo đó, cái mới được tác tạo, sinh thành.

Nhiều người biết, mà ít người nhớ rằng tế bào thần kinh ở não bộ là nơi duy nhất trên cơ thể người ta không tái tạo.

Hẳn bạn từng có chút bối rối hay bực bội trong vài lúc: mình gặp cậu này ở đâu rồi nhỉ? – ý này đã nghe nói rồi, mà không nhớ ra “ông” tác giả; con đường đấy tớ đi mãi đấy thôi, tự nhiên quên mất… Sự suy giảm nhận thức của não bộ khi trạc tuổi 30 đã bắt đầu thoảng hoặc như thế…

2.

Sự chú ý rất có giá trị. 

Có chú ý, chú tâm, thì mới quan sát, ghi nhận, lắng nghe, tiếp thu, dung nạp, lĩnh hội,… có hiệu quả. Có thế mới tiếp tục tổng hợp, phân tích, liên tưởng, tưởng tượng, xâu chuỗi, khái quát, ước lệ,… chặt chẽ và sáng tỏ. Để mà sáng tạo.

Tập trung chú ý đem lại giá trị cho sáng tạo. 

Hành vi và thói quen chăm sóc thần kinh chưa tốt, khiến não bộ làm việc thiếu hiệu quả.

Rõ rệt nhất, là khó khăn trong việc tập trung để suy nghĩ, suy nghĩ cho tập trung.

3.

Các nhà tâm lý học cho rằng, ngay cả khi người ta cố gắng tập trung vào một nhiệm vụ, họ cũng có xu hướng mất tập trung sau 40 phút, và việc mất tập trung ít nhất là 10 phút.

Hãy kiểm lại xem bạn thường giống ý nào trong việc bị mất tập trung thể hiện dưới đây:

Tham việc – ham làm nhiều, nên làm đan xen. Buông việc này và bập vào việc kia luôn mất một khoảng thời giờ. Hoặc lúc gặp việc khó hơn, hay chỉ cần không quen thuộc bằng, là ngại khó, ngại nghĩ, và bắt đầu lan man. Nhiều khi ko gọi tên được hẳn hoi việc gì mình muốn.

Chán nản. Bấy giờ mọi thứ còn lại của thế giới, luôn hấp dẫn hơn việc bạn đang ngồi làm.

Phiền muộn. Lo lắng về tiền bạc, sự dang dở, ưu phiền vương vấn điều gì đó, luôn làm gián đoạn việc bạn đang làm đang nghĩ. Nỗi thất vọng tù túng, cũng dễ làm bi quan. Vì vậy “đầu óc” tù mù.

Bị phụ thuộc thiết bị. Nhiều máy nhiều sim, không muốn bị mất liên lạc với ai, mở sẵn hộp thư, bật tắt blog – Chúng ta ko quan trọng như thế, hay việc chúng ta làm ko thường xuyên quan trọng như chúng ta tưởng, mà thường chỉ ở một vài thời điểm cao độ. Đó là cách bị phụ thuộc và phân tâm thường trực. Không rối rắm thì mơ hồ.

Mệt mỏi – mất ngủ làm suy yếu sự quan tâm, bộ nhớ ngắn hạn, và các chức năng tâm thần khác. Cả đầu lẫn óc không sảng khoái.

“Tác dụng phụ” của việc mất tập trung, là rất chán mình, vì làm ko được chuyện.

Không chỉ là việc của não bộ, mất tập trung còn lan tỏa đến “hiệu suất công tác” của mọi “cơ quan đoàn thể” khác.

4.

Làm sao để việc tập trung hiệu quả hơn? – đó là tổ chức thời gian làm việc, kiểm soát sự chú ý, tập trung của mình chặt chẽ hơn, có thể là:

– Tâm trí cần nghỉ ngơi, nhất là ngủ. Ít hay nhiều không bằng điều độ. Đừng bao giờ dốc công làm việc 100% công suất hoặc hơn, nếu biết là không ngủ bù đủ, hoặc không thể ngủ “tạm ứng” trước lấy sức. Cần tìm hiểu cơ chế sinh lý cá nhân, để biết rõ quy luật lúc nào làm hiệu quả nhất trong ngày

– Lập kế hoạch rõ ràngBiết giới hạn mục tiêu. Không có mục đích, tâm trí của bạn sẽ bị kéo theo các hướng khác nhau. Thay vì dành tất cả sự chú ý đến nhiệm vụ quan trọng nhất, bạn sẽ thấy mình bị phân tâm bởi một loạt các suy nghĩ dằng dai hay và lan man. Chính trước phụ sau, âu cũng là nguyên lý design. Gắn với hoạch định cụ thể, năng lượng của bạn tập trung theo ý đồ, hơn là phân tán ngẫu nhiên.

 – Ăn uống đàng hoàng, nhất là ăn sáng. Nên luôn ăn với thái độ trịnh trọng như có thể.

 – Tập Thiền để luyện thở và cảm giác lại là cách lành mạnh, mau phục hồi tập trung hơn cả. Bằng việc tập luyện bền chí, các phản xạ trong não của bạn sẽ tốt hơn.

 – Tạo kỷ luật cho chính mình. Stephen R. Covey là một lần viết, vô kỷ luật là nô lệ cho tâm trạng, ham muốn và niềm đam mê. Hãy nói không với cám dỗ, hãy làm khó mình, liên quan với ý thức vv cần phải nâng cao nhận thức; tìm kiếm động lực cụ thể của các việc cụ thể mà làm, tự cam kết – thưởng và phạt.

 – Thay đổi hay di chuyển trong môi trường hẹp, như cách làm phong phú không gian riêng của mình trong việc làm, học, sống,.. Sắc thái và dáng vẻ của động lực cũng được làm mới.

 – Viết để mở rộng ý tưởng. Viết là nghĩ trên mặt giấy. Nói ra, viết xuống, thổ lộ với, đều là việc nên làm. Với riêng mình càng tốt. Với 1, 2 người có thể chia sẻ được cũng tốt.

 Một hôm, khi bạn đã tập trung tốt hơn, bạn có thể đang ngồi hay đứng, ở chỗ ồn hay yên, nơi đâu cũng được, đều có thể tập trung suy nghĩ sắc, nhanh, gọn với các giải pháp sáng tỏ. Để sớm xong việc, và để thay đổi nhịp tim dành cho việc khác…                                (ST)



Bình luận về bài viết này